Thiết kế và chế tạo HMS_Hood_(51)

Sơ đồ Hood như nó hiện hữu vào năm 1921, trong màu xám đậm của Hạm đội Đại Tây Dương

Lớp tàu chiến-tuần dương Admiral, dự định bao gồm 4 chiếc, được thiết kế để đối phó lại với lớp tàu chiến-tuần dương Mackensen của Đức, vốn được cho là sẽ được trang bị vũ khí và vỏ giáp mạnh hơn so với các lớp RenownCourageous mới nhất của Anh. Thiết kế nguyên thủy được thay đổi sau trận Jutland nhằm tích hợp một vỏ giáp dày hơn, và cả bốn con tàu đều được đặt lườn. Tuy nhiên chỉ có Hood được hoàn tất do chi phí quá đắt, đòi hỏi nhiều vật tư và lao động, vốn có thể sử dụng tốt hơn để đóng tàu buôn nhằm thay thế cho số bị tàu ngầm U-boat đánh chìm.[3]

Các đặc tính chung

Hood lớn hơn đáng kể so với những chiếc tiền nhiệm thuộc lớp Renown. Khi hoàn tất, nó có chiều dài chung là 860 foot 7 inch (262,3 m), mạn thuyền rộng tối đa 104 foot 2 inch (31,8 m) và tầm nước 32 foot (9,8 m) khi đầy tải; dài hơn 110 foot (33,5 m) và rộng hơn 14 foot (4,3 m) so với lớp trước. Nó có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn 42.670 tấn Anh (43.350 t), và lên đến 46.680 tấn Anh (47.430 t) khi đầy tải, nặng hơn 13.000 tấn Anh (13.210 t) so với những chiếc cũ hơn. Chiếc tàu chiến-tuần dương có một đáy kép kéo dài toàn bộ chiều dài con tàu. Hood có chiều cao khuynh tâm 4,2 foot (1,3 m) khi đầy tải,[4] vốn giúp hạn chế tối đa khả năng lật và làm cho nó trở thành một bệ súng vững chắc. Lớp vỏ giáp được bổ sung thêm trong quá trình chế tạo đã tăng tầm nước thêm khoảng 4 foot (1,2 m) khi đầy tải, vốn làm giảm khoảng nổi và khiến nó rất ướt. Khi di chuyển hết tốc độ hoặc khi biển động, nước biển tràn lên sàn sau và thường xâm nhập vào các khoang nghỉ ngơi của thủy thủ đoàn qua các đường thông gió.[5] Đặc tính này khiến nó bị gán do tên lóng "chiếc tàu ngầm lớn nhất của hải quân".[6] Sự ẩm ướt thường xuyên cộng với việc thông gió quá kém của con tàu được cho là nguyên nhân của tỉ lệ mắc bệnh lao phổi cao trên tàu.[7] Thành phần thủy thủ đoàn thay đổi nhiều trong suốt quãng đời phục vụ: vào năm 1919 nó có tổng cộng 1.433 thành viên khi đảm nhiệm vai trò soái hạm của hải đội. Đến năm 1934, thực tế nó có 81 sĩ quan và 1.244 thủy thủ trên tàu.[8]

Hệ thống động lực bao gồm 24 nồi hơi ống nước Yarrow kết nối với turbine hơi nước hộp số Brown-Curtis để dẫn động bốn trục chân vịt. Động cơ turbine của chiếc tàu chiến-tuần dương được thiết kế để sản sinh công suất 144.000 mã lực càng (107.000 kW), sẽ vận hành con tàu đạt tốc độ tối đa 31 hải lý trên giờ (57 km/h; 36 mph). Tuy nhiên, khi chạy thử máy vào năm 1920, hệ thống động lực của Hood đã cung cấp một công suất tối đa 151.280 shp (112.810 kW), cho phép nó đạt đến tốc độ 32,07 hải lý trên giờ (59,39 km/h; 36,91 mph). Nó mang theo khoảng 3.895 tấn Anh (3.958 t) dầu đốt[9] cung cấp cho nó một tầm hoạt động khoảng 7.500 hải lý (13.900 km; 8.600 dặm) ở tốc độ đường trường 14 hải lý trên giờ (26 km/h; 16 mph).[4]

Vũ khí

Cận cảnh các khẩu pháo BL 15 in (380 mm) Mark I phía đuôi của Hood vào năm 1926

Hood được trang bị tám khẩu pháo BL 15 in (380 mm) Mark I trên các tháp pháo nòng đôi vận hành bằng thủy lực. Các khẩu pháo có thể hạ đến góc -5° và nâng lên đến +30°. Ở góc nâng tối đa chúng bắn ra đạn pháo nặng 1.920 pound (870 kg) đến tầm xa tối đa 30.180 thước Anh (27.600 m). Các tháp pháo được đặt tên lần lượt từ trước ra sau là 'A', 'B', 'X' và 'Y'.[10][11] Có tổng cộng 120 quả đạn pháo được mang theo cho mỗi khẩu pháo.[4]

Dàn pháo hạng hai của Hood bao gồm 12 khẩu BL 5,5 in (140 mm)/50 caliber Mark I, mỗi khẩu có 200 quả đạn pháo.[4] Chúng được đặt trên các bệ trục xoay có các tấm thép che chắn và bố trí dọc theo sàn trên và sàn che phía trước. Vị trí cao cho phép chúng hoạt động ngay cả khi thời tiết rất xấu, vì chúng ít bị ảnh hưởng bởi sóng biển so với loại đặt trong tháp pháo ụ của các tàu chiến chủ lực Anh trước đây.[12] Kiểu vũ khí này bắn ra đạn pháo nặng 82 pound (37 kg) với tầm xa tối đa là 17.770 thước Anh (16.250 m).[13] Hai trong số các khẩu pháo trên sàn che phía trước được tạm thời thay thế bằng các khẩu QF 4 in (100 mm) Mk V phòng không vào giữa năm 1938 và năm 1939. Tất cả các khẩu pháo 5,5 inch được tháo dỡ khi Hood được tái trang bị vào năm 1940.[14] Hai khẩu pháo 5,5 inch bị tháo dỡ đã được bố trí như là pháo phòng thủ duyên hải trên ngọn đồi nhìn ra thị trấn Georgetown thuộc đảo Ascension, tọa độ 7°55′43,88″N 14°24′19,53″T / 7,91667°N 14,4°T / -7.91667; -14.40000.[14]

Dàn hỏa lực phòng không nguyên thủy của Hood bao gồm bốn khẩu đội pháo QF 4 in (100 mm) Mark V trên các bệ góc cao Mark III nòng đơn. Chúng được bổ sung vào đầu năm 1939 bởi bốn khẩu đội nòng đôi HA/LA Mark XIX trang bị pháo QF 4 inch 4 in (100 mm) L/45 Mark XVI. Các khẩu nòng đơn bị tháo dỡ vào giữa năm 1939, rồi được bổ sung thêm ba tháp pháo Mark XIX nòng đôi vào đầu năm 1940.[15] Bệ này có góc nâng từ -10° đến +80°; pháo Mark XVI bắn ra 12 quả đạn pháo mỗi phút, đạn pháo nặng 35 pound (16 kg) và có lưu tốc đầu đạn 2.660 ft/s (810 m/s). Với mục tiêu trên mặt biển tầm xa tối đa đạt 19.850 thước Anh (18.150 m), và với mục tiêu trên không, trần bắn tối đa đạt 39.000 ft (12.000 m), nhưng tầm bắn phòng không có hiệu quả thấp hơn nhiều.[16]

Vào năm 1931, một cặp pháo phòng không QF 2 pounder 40 milimét (1,6 in) trên bệ Mark VIII tám nòng được trang bị trên sàn che phía trước ngang với các ống khói; rồi được bổ sung một khẩu đội thứ ba vào năm 1937.[17] Chúng có thể hạ đến góc -10° và nâng đến +80°; pháo 2 pounder bắn ra đạn pháo 40 mm nặng 0,91 pound (0,41 kg) với lưu tốc đầu đạn 1.920 ft/s (590 m/s) và có tầm xa tối đa 3.800 thước Anh (3.500 m). Tốc độ bắn của kiểu pháo này khoảng 96–98 phát mỗi phút.[18]

Hai bệ bốn nòng Mark I dành cho súng máy Vickers 0,5 in (13 mm) Mark III được trang bị vào năm 1933, và thêm hai bệ nữa được bổ sung vào năm 1937.[17] Kiểu súng máy này có thể hạ đến góc -10° và nâng đến +70°, bắn ra đạn nặng 1,326 ounce (37,6 g) với lưu tốc đầu đạn 2.520 ft/s (770 m/s); cho phép có tầm xa tối đa khoảng 5.000 yd (4.600 m), mặc dù tầm bắn hiệu quả chỉ đạt 800 yd (730 m).[19] Bổ sung vào số này còn có năm bệ phóng rocket UP (en:Unrotated Projectile), được trang bị vào năm 1940, mỗi chiếc có thể phóng 20 rocket 7 inch (180 mm) phòng không từng đợt 10 quả một.[17] Kiểu vũ khí này khi nổ trên không ở khoảng cách 1.000 ft (300 m) sẽ bung ra một quả mìn treo bởi dây cáp nối với ba chiếc dù chắn ngang đường máy bay đang tấn công.[20]

Sáu ống phóng ngư lôi 21 inch (533 mm) Mk IV được trang bị cho Hood gồm ba ống mỗi bên mạn: hai ống ngầm dưới nước phía trước hầm đạn tháp pháo 'A' và bốn ống bên trên mực nước phía sau ống khói sau.[4] Chúng có đầu đạn chứa 515 pound (234 kg) thuốc nổ TNT; và có thể cài đặt ở hai mức tốc độ: mức 25 hải lý trên giờ (46 km/h; 29 mph) có tầm xa tối đa 13.500 thước Anh (12.300 m) và mức 40 hải lý trên giờ (74 km/h; 46 mph) có tầm xa tối đa 5.000 thước Anh (4.600 m). Con tàu mang theo khoảng 28 quả ngư lôi.[21]

Điều khiển hỏa lực

Ảnh chụp từ trên không của Hood ngoài khơi Honolulu, Hawaii vào năm 1924, cho thấy các máy đo tầm xa phía sau các tháp pháo chính, phía sau đó là tháp chỉ huy với bộ điều khiển hỏa lực chính trên nóc và máy đo tầm xa của riêng nó. Bộ điều khiển hỏa lực thứ hai đặt trên nóc bệ quan sát trên đỉnh tháp ăn-ten ba chân

Hood được hoàn tất với hai hệ thống điều khiển hỏa lực. Một bộ đặt trên nóc tháp chỉ huy, được bảo vệ bởi nóc bọc thép và được trang bị một máy đo tầm xa 30 foot (9,1 m). Chiếc kia được đặt trên nóc bệ quan sát trên đỉnh tháp ăn-ten ba chân và được trang bị một máy đo tầm xa 15 foot (4,6 m). Mỗi tháp pháo còn được trang bị một máy đo tầm xa 30 foot (9,1 m) riêng biệt. Dàn pháo hạng hai chủ yếu được chỉ huy bởi các bộ điều khiển đặt hai bên cầu tàu. Chúng được bổ túc bởi hai vị trí kiểm soát bổ sung trên tháp ăn-ten trước vốn được trang bị máy đo tầm xa 9 foot (2,7 m), cho dù dường như chúng chỉ được trang bị vào những năm 19241925.[12] Các khẩu súng phòng không được kiểm soát bởi một máy đo tầm xa 2 mét (6 ft 7 in) góc cao đơn giản gắn trên vị trí chỉ huy phía sau,[22] cho dù dường như chúng chỉ được trang bị vào những năm 19261927. Ba vị trí kiểm soát ngư lôi với một máy đo tầm xa 15 foot (4,6 m) cho mỗi vị trí được lắp đặt, gồm hai chiếc bên mạn của tháp chỉ huy giữa tàu và một chiếc phía sau ngay trên trục giữa.[12]

Trong đợt trang bị năm 1929-1931, một bộ điều khiển hỏa lực góc cao (HACS: High-Angle Control System HACS) Mark I được bổ sung phía sau bệ đèn pha cùng hai vị trí kiểm soát hỏa lực cho các khẩu 2-pounder "pom-pom" phòng không đặt phía sau tháp quan sát, cho dù ban đầu chỉ có một bộ kiểm soát được lắp đặt.[23] Các vị trí kiểm soát pháo 5,5 inch cùng máy đo tầm xa tương ứng được tháo dỡ trong đợt tái trang bị năm 1932. Đến năm 1934 các bộ kiểm soát hỏa lực "pom-pom" được chuyển đến vị trí của các bộ kiểm soát hỏa lực 5,5 inch trước đây trên tháp quan sát, còn máy đo tầm xa 9 foot (2,7 m) cho pháo 5,5 inch được gắn lại trên bệ tín hiệu. Hai năm sau, các bộ kiểm soát hỏa lực "pom-pom" được chuyển đến góc sau của cầu tàu để tránh hơi thoát ra từ ống khói. Một bộ kiểm soát hỏa lực "pom-pom" được bổ sung trên cấu trúc thượng tầng phía sau, ngang với bộ HACS, vào năm 1938. Hai bộ điều khiển HACS Mark III được tăng cường ở phía sau bệ tín hiệu trong năm tiếp theo, và bộ điều khiển Mark I phía sau được thay thế bằng kiểu Mark III.[24] Trong đợt trang bị cuối cùng của Hood vào năm 1941, một radar cảnh báo trên không Kiểu 279 và một radar điều khiển hỏa lực Kiểu 284 được trang bị,[25] cho dù radar Kiểu 279 không có ăn-ten thu sóng và không thể hoạt động.[26]

Sự bảo vệ

Sơ đồ vỏ giáp bảo vệ của Hood nguyên thủy dựa trên thiết kế của tàu chiến-tuần dương Tiger với đai giáp ở mực nước dày 8 inch (203 mm). Tuy nhiên, không giống như Tiger, đai giáp được đặt nghiêng 12° ra phía ngoài từ mực nước để làm tăng độ dày tương đối đối với đường đạn bắn thẳng. Tuy nhiên, thay đổi này lại làm tăng độ mong manh của con tàu đối với đạn pháo bắn tới ở góc cao vì nó bộc lộ nhiều hơn sàn tàu bọc thép mỏng. Có thêm 5.000 tấn Anh (5.100 t) giáp được bổ sung cho thiết kế vào cuối năm 1916, dựa trên những kinh nghiệm của phía Anh trong trận Jutland, với cái giá tăng độ sâu mớn nước và giảm tốc độ đôi chút. Để tiết kiệm thời gian chế tạo, điều này được thực hiện bằng cách tăng độ dày lớp giáp thay vì phải thiết kế lại toàn bộ con tàu.[27] Phần giáp bảo vệ cho chiếc Hood chiếm 33% trọng lượng rẽ nước của nó; một tỉ lệ cao so với tiêu chuẩn của Anh Quốc vào thời đó, cho dù vẫn ít hơn những thiết kế của Đức đương thời, ví dụ như 36% trên chiến tàu chiến-tuần dương Hindenburg.[28]

Đai giáp của nó bao gồm loại thép giáp được tôi bề mặt (kiểu Krupp cemented hoặc KC), được sắp xếp như sau: Đai giáp chính dày 12 inch (305 mm) giữa bệ tháp pháo A và Y, vuốt mỏng ra hai đầu với độ dày 5–6 inch (127–152 mm) nhưng không kéo dài đến tận mũi và đuôi tàu. Đai giáp giữa có độ dày tối đa 7 inch (178 mm) ở phần dày nhất của đai giáp chính; vuốt mỏng ra phía trước tháp pháo A với độ dày 5 inch (127 mm). Đai giáp trên dày 5 inch (127 mm) giữa tàu và mở rộng đến tháp pháo A, và ra phía sau với bề dày 7 inch (178 mm).[29]

Tháp pháo và bệ của dàn pháo chính được bảo vệ bởi lớp thép KC dày 11–15 inch (279–381 mm), ngoại trừ nóc của tháp pháo chỉ dày 5 in (130 mm). Lớp giáp bảo vệ sàn tàu được cấu trúc bởi thép cường độ cao (HTS: high tensile steel). Sàn phía trước dày từ 1,75 in (44 mm) đến 2 in (51 mm), trong khi sàn trên có độ dày 2 in (51 mm) bên trên hầm đạn và 0,75 in (19 mm) ở các nơi khác. Sàn chính dày 3 in (76 mm) bên trên hầm đạn và 1 in (25 mm) ở các nơi khác, ngoại trừ khoảng nghiêng tiếp giáp với mép dưới của đai giáp chính dày 2 in (51 mm). Sàn dưới dày 3 in (76 mm) bên trên trục chân vịt, 2 in (51 mm) bên trên hầm đạn và 1 in (25 mm) ở các nơi khác.[30]

Lớp vỏ bọc dày 3 inch (76 mm) dành cho sàn tàu chính được bổ sung vào giai đoạn rất trễ trong quá trình chế tạo, và bốn khẩu pháo 5,5 inch tận cùng phía đuôi cùng với các băng chuyền đạn tương ứng bị tháo dỡ để bù trừ một phần trọng lượng. Các thử nghiệm thực tế vào mùa Thu năm 1919 với kiểu đạn pháo xuyên thép mới APC (armour-piercing, capped) 15-inch đối với một mô hình giả lập của Hood cho thấy đạn pháo có thể xuyên thủng vào phần thiết yếu của con tàu qua đai giáp giữa dày 7-inch và phần nghiêng 2-inch của sàn tàu chính. Một đề nghị được đưa ra để tăng cường vỏ giáp bên trên hầm đạn phía trước lên 5 inch (127 mm) và phía sau lên đến 6 inch (152 mm) được đưa ra vào tháng 7 năm 1919 sau những thử nghiệm này. Để bù trừ trọng lượng tăng thêm, hai ống phóng ngư lôi ngầm cùng vỏ giáp cho hầm chứa đầu đạn ngư lôi phía sau được tháo dỡ, đồng thời độ dày vỏ giáp bảo vệ tháp điều khiển ngư lôi phía đuôi bị giảm từ 6 in (150 mm) còn 1,5 in (38 mm). Tuy nhiên, vỏ giáp bổ sung vẫn không được trang bị do không được thử nghiệm đầy đủ.[31] Khi hoàn tất Hood vẫn bị mong manh đối với đạn pháo bắn tới và bom.[30] Vỏ giáp cho hầm chứa đầu đạn ngư lôi được gắn trở lại trong đợt tái trang bị vào các năm 1929-1931.[26]

Để bảo vệ chống lại ngư lôi, nó được trang bị một "bầu chống ngư lôi" dày 7,5 foot (2,3 m)[30] chạy suốt chiều dài con tàu giữa các bệ tháp pháo tận cùng phía trước và phía sau. Nó được chia thành một ngăn rỗng bên ngoài và một ngăn trong chứa năm hàng ống kín nước, được dự định để hấp thu và phân tán lực của vụ nổ. Bầu chống ngư lôi được gia cường phía trong bởi một vách ngăn chống ngư lôi dày 1,5 inch (38 mm).[32]

Máy bay

Thoạt tiên Hood được trang bị những bệ cất cánh bên trên các tháp pháo "B" và "X" nơi những chiếc Fairey Flycatcher có thể phóng lên.[33] Trong đợt tái trang bị từ năm 1929 đến năm 1931, bệ cất cánh trên tháp pháo "X" được tháo dỡ, thay thế bằng một máy phóng xếp lại được đặt trên bệ xoay bố trí trên sàn tàu phía đuôi của con tàu, cùng với một cần trục để thu hồi thủy phi cơ. Nó nhận lên tàu một chiếc Fairey F3 F thuộc Liên đội 444 của Không quân Hoàng gia Anh. Trong chuyến đi đến Tây Ấn năm 1932, máy phóng tỏ ra khó hoạt động trừ khi biển lặng, và nó thường xuyên bị ướt nước khi thời tiết xấu. Máy phóng cùng với cần cẩu được tháo dỡ vào năm 1932, cùng với bệ cất cánh bên trên tháp pháo "B".[34]

Tàu chiến-tuần dương hay thiết giáp hạm nhanh ?

Cho dù Hải quân Hoàng gia Anh luôn luôn xếp loại Hood như một tàu chiến-tuần dương, một số tác giả hiện đại như Anthony Preston đã mô tả nó như là một thiết giáp hạm nhanh, vì Hood dường như là sự cải tiến đối với lớp thiết giáp hạm Queen Elizabeth mang tính cách mạng. Trên giấy tờ, Hood giữ lại cùng cấu hình vũ khí và mức độ vỏ giáp bảo vệ, trong khi lại nhanh hơn đáng kể.[35][36] Vào khoảng năm 1918, một số sĩ quan hải quân Mỹ bao gồm Phó đô đốc William Sims, Tư lệnh lực lượng Hải quân Hoa Kỳ tại châu Âu, và Đô đốc Henry T. Mayo, Tư lệnh Hạm đội Đại Tây Dương, chịu một ấn tượng rất mạnh bởi chiếc Hood, vốn đã được mô tả như là một "thiết giáp hạm nhanh", nên họ chủ trương Hải quân Hoa Kỳ nên phát triển một lớp thiết giáp hạm nhanh của riêng mình.[37] Nhưng cuối cùng, người Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng thiết kế đang có, những thiết giáp hạm lớp South Dakota chậm hơn nhưng được bảo vệ chắc chắn, và những tàu chiến-tuần dương nhanh, có vỏ giáp nhẹ thuộc lớp Lexington, cả hai sau đó đều bị hủy bỏ theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922.[38] Những ảnh hưởng của Hood đã thể hiện trong những phiên bản thiết kế sau này của Lexington, bao gồm giảm bớt đai giáp chính, việc chuyển sang "vỏ giáp nghiêng", và việc bổ sung thêm bốn ống phóng ngư lôi bên trên mặt nước vào số bốn ống phóng ngầm dưới nước trong thiết kế nguyên thủy.[39] Làm tăng thêm sự lẫn lộn, tài liệu của Hải quân Hoàng gia trong thời kỳ này thường mô tả mọi chiếc thiết giáp hạm có khả năng đạt đến hay vượt hơn tốc độ 24 kn (44 km/h) đều như là tàu chiến-tuần dương, bất kể đến lượng vỏ giáp mà nó được trang bị. Ví dụ như lớp tàu chiến-tuần dương G3 chưa từng chế tạo đã được xếp loại như vậy cho dù nó giống một chiếc thiết giáp hạm nhanh hơn là Hood.[40]

Mặt khác, quy mô vỏ giáp bảo vệ của Hood, cho dù phù hợp với thời đại Jutland, chỉ ở xấp xỉ ngưỡng chống đỡ được đạn pháo 16 inch (406 mm) thế hệ mới trang bị cho các tàu chiến chủ lực xuất hiện không lâu sau khi nó hoàn tất vào năm 1920, tiêu biểu là lớp Colorado của Hoa Kỳ và lớp Nagato của Nhật Bản. Hải quân Hoàng gia hoàn toàn ý thức được những khiếm khuyết trong sơ đồ bảo vệ của Hood vẫn còn đó, ngay cả khi nó được tái thiết kế lại, nên Hood chỉ được dự định cho những vai trò của một tàu chiến-tuần dương, và nó đã phục vụ trong các hải đội tàu chiến-tuần dương trong hầu hết quãng đời phục vụ. Vào cuối thời gian phục vụ, Hood rõ ràng đã bị qua mặt bởi sự tiến bộ của vỏ giáp và bảo vệ dưới nước của những thiết giáp hạm nhanh thời kỳ Thế Chiến II. Tuy nhiên, bằng việc gửi Hood đi đối đầu với thiết giáp hạm Đức hiện đại Bismarck vào năm 1941, Bộ Hải quân Anh buộc phải hành động như vậy vì họ không sẵn có những chiếc tàu chiến "súng lớn" khác có thể bắt kịp Bismarck về tốc độ, và cũng có thể do danh tiếng và truyền thuyết không thể đánh chìm của "Mighty Hood".[35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HMS_Hood_(51) http://www.ascension-island.gov.ac/virtualtour/cro... http://www.heritage.org.ac/avis10.htm http://www.hmshood.com/ http://www.hmshood.com/admin/faq.htm#faq8 http://www.hmshood.com/crew/memorial/index.htm http://www.hmshood.com/crew/memorial/s/SpinnerGD.h... http://www.hmshood.com/history/construct/design.ht... http://www.hmshood.com/history/denmarkstrait/index... http://www.hmshood.com/hoodtoday/2001expedition/in... http://www.hmshood.com/hoodtoday/Lid.jpg